Mẹ ung thư di căn não đánh đổi sinh mạng để sinh con

Chị Thanh 36 tuổi, Hà Nội mang thai 28 tuần thì khối u vú di căn não, chị đánh đổi cả sinh mạng để giữ thai và sinh con.

by

Chị Thanh phát hiện khối u vú vào năm 2013, bác sĩ Bệnh viện K tiểu phẫu cắt u. Kết quả giải phẫu bệnh, chị mắc ung thư vú.

"Nhận tin, tôi khủng hoảng, suy sụp hoàn toàn, được gia đình và các bác sĩ động viên mới trấn tĩnh xuống viện điều trị", chị Thanh nói.

Chị Thanh cho biết khát khao lớn nhất của chị lúc ấy không phải khỏi bệnh mà là được làm mẹ một lần trong đời. "Chỉ mong có thể ẵm bồng, ôm con trong vòng tay dù chẳng biết trước ngày mai sẽ ra sao, ngắn ngủi thôi, một thời khắc thôi tôi cũng mãn nguyện", chị Thanh chia sẻ.

Điều trị cho chị Thanh suốt 5 năm, các bác sĩ Bệnh viện K đều thấu hiểu nỗi lòng của chị. Song, các bác sĩ vẫn luôn phải cân nhắc, đánh giá tình hình sức khỏe và tư vấn kỹ lưỡng cho chị về nhiều nguy cơ có thể xảy ra khi mang thai, sinh con.

"Bệnh nhân đã điều trị ổn định gần 5 năm nhưng có nguyện vọng tạm dừng điều trị để mang thai. Chúng tôi phải kiểm tra về toàn bộ các chỉ số, đánh giá sức khỏe, hội chẩn kỹ về những hóa chất đã điều trị cho chị có ảnh hưởng gì nếu mang thai hay không", tiến sĩ Hàn Thị Thanh Bình, Phó trưởng khoa Nội 5, Bệnh viện K, cho biết.

Đầu năm 2019, chị Thanh mang thai. Hàng ngày, chị vẫn đi làm công nhân ở xí nghiệp may, mọi sinh hoạt đều diễn ra bình thường. Đến tháng thứ 7 thai kỳ, chị ăn vào là nôn, nghĩ bị nghén vì cơ thể không có biểu hiện khác thường, khám định kỳ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện K.

Các bác sĩ nhận định trong quá trình mang thai, khối u tiếp tục phát triển và di căn lên não. "Bệnh nhân mang thai ở tuần 28 có dấu hiệu giảm trí nhớ, gia đình phải trợ giúp hoàn toàn nhưng chị ấy vẫn quyết tâm giữ cháu bé", bác sĩ Thanh Bình nói.

Đến tuần thứ thai 34, trí nhớ của chị suy giảm hoàn toàn, song vẫn quyết tâm sinh con. Chị Thanh bắt đầu hôn mê, thai nhi có biểu hiện suy tim, các bác sĩ quyết định mổ cứu hai mẹ con. Ngày 29/10, bé gái Hương Giang nặng 2 kg chào đời trong niềm hạnh phúc của cả gia đình và các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Sau mổ, mẹ bé được chuyển sang Bệnh viện K để tiếp tục chữa trị.

https://image-cdn.vtcns.com/files/huongntt/2019/12/09/ungthu-5-1652573.jpg
Tiến sĩ Liên trao đổi với bệnh nhân (phía sau) về kết quả điều trị.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Liên, Trưởng khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện K, cho biết đây là trường hợp rất đặc biệt, sản phụ sau sinh 3 ngày phải chuyển khẩn cấp sang Bệnh viện K. Khi vào viện khối u đã di căn vào não 3 ổ, đặc biệt di căn vào hố sau gây chèn ép, dẫn đến tình trạng hôn mê. Các bác sĩ quyết định điều trị bằng thuốc và xạ phẫu bằng dao Gamma. 

Tuy nhiên nếu xạ phẫu một lần duy nhất, bệnh nhân sẽ đối mặt với nguy hiểm do không đảm bảo sức khỏe. Do vậy các bác sĩ quyết định xạ phẫu thành 3 lần, mỗi lần cách nhau 2 tuần, kết hợp điều trị hóa chất và miễn dịch.

Ưu điểm của phương pháp dao Gamma là tập trung liều điều trị vào khối u và ít ảnh hưởng cấu trúc não xung quanh. "Trường hợp chị Thanh khối u nằm cạnh hệ thống não thất, có thể dẫn đến tình trạng ứ nước trong não, do vậy chúng tôi chuẩn bị cả phương án mổ phối hợp để dẫn lưu dịch não tủy nếu cần", tiến sĩ Liên cho biết.

Theo bác sĩ, khó khăn lớn nhất là phải cân nhắc giữa phẫu thuật mở thông thường và xạ phẫu Gamma Knife, do khối u khá lớn. Vị trí 2 khối ở tiểu não, một khối ở bán cầu đại não, cả 3 khối cộng vào gây ra triệu chứng cộng hưởng.

"Chúng tôi phải hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa về ung bướu thần kinh và u vú, đưa ra phác đồ điều trị phối hợp cùng nhau giúp bệnh nhân hồi phục. Nếu chỉ tập trung vào điều trị u não thì có thể di căn bộ phận khác. Nếu chỉ điều trị bệnh toàn thân thì bệnh nhân có thể hôn mê, cơ thể không thể chịu được", bác sĩ Liên nói.

Vì vậy, các bác sĩ phải phối hợp nhịp nhàng. Điều trị não trước, nếu mổ mở có thể chỉ giải quyết được một ổ, trong khi dao Gamma có thể giải quyết cùng một lúc cả 3 ổ, khối u được khống chế, giảm thời gian hồi phục.

Điều kỳ diệu đã đến với mẹ con chị Thanh. Sau khi điều trị với phác đồ bằng dao Gamma 2 ngày, chị đã dần phục hồi trí nhớ, tỉnh táo trở lại.

Sau 6 tuần điều trị, bệnh nhân đáp ứng thuốc rất tốt, khối u đã giảm 40% thể tích và được kiểm soát tốt. Bên cạnh đó việc phối hợp với điều trị hóa trị đã giúp kiểm soát bệnh rất tốt. Chính vì có điều trị hóa chất nên hiệu quả kiểm soát khối u càng cao hơn, tránh được các đợt di căn khác lên não.

"Tôi không ngờ mình tỉnh lại được. Nhìn thấy con chỉ biết khóc vì hạnh phúc", chị Thanh kể.

Hiện, chị Thanh được điều trị phối hợp nội khoa ung thư, điều trị hóa chất và rất may mắn sức khỏe ổn định, đáp ứng điều trị rất tốt.

Tại Bệnh viện K, không ít bệnh nhân ung thư vẫn quyết tâm sinh con. Sáu tháng trước, sản phụ Nguyễn Thị Liên ung thư vú giai đoạn cuối sinh con trong tư thế ngồi khiến nhiều người xúc động về tình mẫu tử.

* Tên sản phụ được thay đổi.

https://image-cdn.vtcns.com/resize/480x270/files/nguyen.vui/2019/07/11/xot-xa-canh-me-ung-thu-con-trai-liet-giuong-song-lay-lat-qua-ngay-135715-5-1534477.png

Xót xa cảnh mẹ bị ung thư, con trai liệt giường sống lay lắt qua ngày

Sau 2 năm bị liệt nằm một chỗ do tai nạn lao động, cuộc sống của chàng trai 29 tuổi lại rơi vào bế tắc khi mẹ anh phát hiện mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối.

https://image-cdn.vtcns.com/resize/480x270/files/phamquy/2019/09/08/1-1540453.jpg

Mẹ ung thư dạy con gái 3 tuổi sống tự lập khi mồ côi

Cô bé XiaoHua, Trung Quốc đeo chiếc tạp dề, kiễng chân lên, cầm con dao nhỏ bắt đầu nấu món súp, hương vị quen thuộc y như món súp mẹ làm.

Chủ đề:

ung thư

,

Hà Nội

,

sinh con