https://image.viettimes.vn/c666x374/Uploaded/2019/qjhmn/2019_12_09/vt_hoinghi3594573_9122019.jpg
Buổi hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định 111/2017 tổ chức tại Hà Nội sáng 9/12.

Những bất cập của Nghị định 111 gây khó cho các trường và cơ sở thực hành y khoa

VietTimes -- Trong năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định về tổ chức đào tạo, thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe (Nghị định số 111). Sau 2 năm thực hiện, những bất cập của Nghị định đã bộc lộ, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn.

by

Không đủ số giảng viên cơ hữu, không được coi là cơ sở thực hành

Hội thảo sơ kết 2 năm triển khai Nghị định số 111/2017 về tổ chức đào tạo thực hành trong khối ngành sức khỏe do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 9/12.
Tại đây, các nhà quản lý, chuyên gia đến từ trường, cơ sở đào tạo y khoa, BV đã phản ánh những vướng mắc, khó khăn ở một số nội dung như phí đào tạo thực hành, nhân lực cơ hữu tại các cơ sở đào tạo thực hành, vấn đề công khai thông tin của các cơ giáo dục... đã phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị định 111 và thảo luận, đề xuất các phương hướng sửa đổi. 

Chia sẻ tại hội thảo sơ kết 2 năm triển khai Nghị định số 111 tổ chức tại Hà Nội sáng 9/12, PGS.TS. Đoàn Quốc Hưng - Phó Hiệu trường Trường Đại học Y Hà Nội - cho biết, quy định về việc nhà trường phải có tối thiểu 20% giảng viên cơ hữu tại các cơ sở thực hành là không thực tế, không thực hiện được.

Theo PGS.TS. Đoàn Quốc Hưng, tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai, có khoảng 165/800 bác sĩ của BV là giảng viên của Trường Đại học Y Hà Nội, vừa đủ mức 20% theo quy định đề ra. Còn tại BV Hữu nghị Việt Đức, tỷ lệ cán bộ cơ hữu chỉ có 7%, tại BV Ta - Mũi - Họng Trung ương là 3,4%. Vì vậy, tỷ lệ 20% trong Nghị định đề ra không hợp lý.

Bên cạnh đó, các thầy cô làm việc tại BV dành thời gian để khám, chữa bệnh nhiều hơn so với thời gian giảng dạy, nên một số người coi việc giảng dạy như một gánh nặng. Như vậy, nhà trường vừa thiếu số lượng, vừa thiếu thời gian giờ giảng thực hành cho học viên, sinh viên.

Đại diện Sở Y tế Hải Phòng cũng chia sẻ khó khăn với Trường Đại học Y Hà Nội. Tuy Hải Phòng có nhiều cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng y dược trên địa bàn thành phố, song cũng khó có thể đáp ứng được yêu cầu có ít nhất 20% giáo viên vừa tham gia giảng dạy, vừa khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Khi không đủ tỷ lệ này, cơ sở y tế, BV đó không đủ điều kiện để công bố là cơ sở thực hành của nhà trường.

Không thể ký hợp đồng đào tạo vì lý do tài chính

Nghị định 111 cũng quy định, nhà trường và BV, cơ sở y tế phải ký kết hợp đồng đào tạo thực hành (bao gồm hợp đồng nguyên tắc và hợp đồng chi tiết), đặt ra các thỏa thuận nhằm đáp ứng các yêu cầu trong đào tạo thực hành. Song, do khúc mắc về lý do tài chính, nhiều sinh viên không được thực tập tại BV mong muốn, vì hợp đồng nguyên tắc chưa được thương thảo xong.

https://image.viettimes.vn/Uploaded/2019/qjhmn/2019_12_09/svthuctap3563105_9122019.jpg
Hướng dẫn sinh viên thực tập tại BV .

Ví dụ tại BV Hữu nghị Việt Đức, năm 2019, đã tiếp nhận tới hơn 1.200 người thực hành với 5 trình độ, 7 chuyên khoa từ Trường Đại học Y Hà Nội. Mặc dù số lượng người thực hành rất lớn, song, đến nay, BV và nhà trường vẫn đang trong quá trình thương thảo, thống nhất hợp đồng nguyên tắc.

Không chỉ Trường Đại học Y Hà Nội, mà còn có Học viện Quân Y, Trường Đại học Y Dược Thái Bình, Trường Cao đẳng Y Hà Nội chưa ký hợp đồng nguyên tắc với BV Hữu nghị Việt Đức. Mặc dù số lượng học viên, sinh viên có nhu cầu thực tập tại BV và khả năng tiếp nhận học viên, sinh viên của BV rất lớn, song, vì chưa có hợp đồng, BV không có đủ cơ sở pháp lý để tiếp nhận sinh viên, học viên thực tập.

Theo PGS.TS. Đoàn Quốc Hưng, khúc mắc về vấn đề tài chính giữa BV và trường học do điều 12 của Nghị định không phù hợp với thực tế, chưa rõ ràng về nguyên tắc tài chính, việc ký kết hợp đồng nguyên tắc giữa 2 cơ sở cứ kéo dài vô thời hạn.

Bên cạnh đó, mức thu học phí tại nhà trường quá thấp, ví dụ học phí của sinh viên y đa khoa và răng hàm mặt năm 2019 là 13 triệu, của bác sĩ chuyên khoa I là 19,5 triệu/năm học, tức là chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng. Học phí này chưa bao gồm tiền chi trả thực hành tại các BV và cũng không đủ để chi trả thực hành tại trường.

"Còn với nghiên cứu sinh, phí xét tuyển đầu vào khoảng 200.000 VND và không được phép thu thêm. Mức học phí 32,5 triệu/năm  sẽ khó có thể triển khai thực hành tốt” - PGS.TS. Nguyễn Quốc Hưng nói.

Ngoài ra, ông Phạm Văn Tân - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế công cộng - cũng phản ánh về những khó khăn mà Trường gặp phải khi Nghị định 111 chỉ cho phép một cơ sở y tế ký hợp đồng với một trường cao đẳng, là không phù hợp với nhu cầu đào tạo thực hành.

Ghi nhận những phản ánh của các trường đào tạo y khoa và BV, ông Nguyễn Minh Lợi - Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) -  cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp về Nghị định 111 và có kế hoạch phối hợp cùng Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH làm việc thêm, rà soát lại và xem xét điều chỉnh một số nội dung của Nghị định cho phù hợp.

Tuy nhiên, khi chia sẻ về vấn đề học phí, ông Lợi cho biết trong mức thu hiện nay đã bao gồm chi phí thực hành cho sinh viên và các hoạt động đào tạo khác. Nếu mức học phí này chưa phù hợp, Nghị định cũng đã quy định về lộ trình tăng.

Đối với vấn đề tỷ lệ giảng viên cơ hữu tại các cơ sở thực hành, các giảng viên tham gia khám, chữa bệnh tại BV là hoạt động có lợi cho cả 2 bên. Nghị định chỉ quy định những bác sĩ này được nhà trường cho phép tham gia khám, chữa bệnh và phải nắm giữ chức vụ quản lý, thì mới được coi là “giảng viên cơ hữu” để phòng tránh tình trạng tất cả các giảng viên tham gia khám, chữa bệnh, hoặc tất cả bác sĩ chuyên môn tại cơ sở thực hành tham gia dạy học.