https://image.thanhnien.vn/660/uploaded/maithu/2019_11_18/sanbaytansonnhat-anhdoclap23_xane_idmb.jpg
Cục Hàng không Việt Nam gặp khó về nhân lực giám sát (ảnh minh họa)Ảnh N.T

Lương phi công 300 triệu đồng/tháng, Cục Hàng không 'kêu' khó thuê

by

Nút thắt nhân lực vẫn là một trong những rào cản đối với sự phát triển của ngành hàng không trong thời gian tới. Cục Hàng không Việt Nam phải thuê giám sát viên là phi công các hãng, trong khi lương phi công tới 300 triệu đồng/tháng.


Trao đổi về vấn đề nhân lực hàng không tại phiên thảo luận chuyên đề “Việt Nam làm gì để phát triển hàng không - chắp cánh cho du lịch” tại Hội nghị cấp cao du lịch Việt Nam sáng 9.12, ông Võ Huy Cường, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam, cho biết quản lý nhà nước đang gặp rất nhiều khó khăn trong đảm bảo nhân lực.
Theo ông Cường, khi 1 hãng hàng không tăng thêm 10 chiếc máy bay, quản lý nhà nước phải tăng thêm 1 - 2 người mới đáp ứng được yêu cầu giám sát an toàn khai thác. Song gần đây, các hãng tăng đột biến về số lượng máy bay, nhưng quản lý nhà nước không có nguồn nhân lực bổ sung. Giám sát viên bay, giám sát an toàn bay phải là công chức, nhưng việc tinh giản biên chế vô tình lại gây ra những khó khăn cho công tác này của Cục Hàng không Việt Nam.
Hiện, nhà nước dành 30 tỉ đồng/năm cho công tác giám sát bay, nhưng Cục Hàng không Việt Nam lại không có công chức để thực hiện, nên phải thuê phi công của các hãng như Vietnam Airlines, Vietjet, Hải Âu để làm giám sát viên an toàn bay.
Đáng nói, lương phi công có thể làm giám sát bay lên tới 300 triệu đồng/tháng, cao gấp nhiều lần lương công chức của Cục Hàng không Việt Nam.
“Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản thông báo với các hãng rằng, nếu trong thời gian tới, Cục Hàng không Việt Nam không được tăng thêm 8 - 9 giám sát viên, công tác giám sát bay chỉ dừng lại ở mức hiện tại và đồng nghĩa với việc các hãng không thể nhận thêm máy bay nữa”, ông Cường nói.
Về phía các hãng, ông Lê Hồng Hà, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho hay để đào tạo 1 phi công lái được các dòng máy bay thông thường, phải mất 4 - 5 năm; thời gian đào tạo phi công Airbus 350 hoặc Boeing 787 phải phải mất 7 - 8 năm; kỹ sư kỹ thuật bay cũng mất 3 - 4 năm mới làm được việc. Nếu thiếu hụt các nhân lực này, sẽ gây uy hiếp về an toàn hàng không.
Lãnh đạo Vietnam Airlines cũng thừa nhận hãng gặp vấn đề khi phi công Boeing 787 chuyển sang hãng khác và phải ra nước ngoài tìm kiếm phi công từ nhiều nguồn.