Nhà máy in tiền lớn nhất thế giới… hết tiền
Một công ty in tiền lại hết tiền nghe có vẻ nghịch lý nhưng lại là điều có thật.
by Phương LinhNếu theo dõi một số bộ phim về tài chính, có thể bạn sẽ được cung cấp thông tin nói rằng một chính phủ không thể nào hết tiền bởi họ luôn luôn có thể in tiền để trả lãi cho các khoản vay nợ. Nhưng, thật không may với De La Rue – công ty in tiền của Anh là ý tưởng này không đúng với họ. Hoạt động kinh doanh của công ty này là in tiền nhưng họ lại đang đối mặt với tình trạng sắp... hết sạch tiền.
De La Rue vốn được biết đến là công ty tư nhân phụ trách in tiền giấy cho Ngân hàng Trung ương Anh từ năm 1860 và cũng là đối tác của 140 ngân hàng trung ương khác. Họ sản xuất hộ chiếu cho 40 quốc gia và thiết kế 36% loại tiền giấy đang lưu hành trên khắp thế giới.
Cổ phiếu của De La Rue đã bốc hơi hơn 1/5 sau khi nhà máy in tiền thương mại lớn nhất thế giới cho biết họ sẽ ngừng việc chia cổ tức cũng như đưa ra cảnh báo về khả năng hoạt động trong tương lai.
Theo sau việc rời đi của CEO, gần đây là chủ tịch và cả những lãnh đạo cao cấp khác của công ty, thông báo mới nhất về việc thiếu tiền của De La Rue khiến nhiều khách hàng là những chính phủ và tổ chức lớn tỏ ra lo ngại. Ngoài việc in tiền, De La Rue còn liên quan tới nhiều hoạt động kinh doanh nhạy cảm khác gồm việc sản xuất hộ chiếu và in nhãn mác xác thực hàng chuẩn, chống làm giả.
CEO mới của công ty là Clive Vacher có nhiều kinh nghiệm trong việc vực dậy các công ty trong tình trạng khó khăn nhưng với De La Rue có một vài điều khác biệt.
Với những người thanh toán toàn bộ qua thẻ và Apple Pay, De La Rue sụp đổ có lẽ là điều không thể tránh khỏi bởi in tiền là hoạt động mang lại doanh thu chính cho công ty này. Thậm chí, sự chuyển đổi sang "xã hội không tiền mặt" là một thách thức to lớn trong dài hạn với De La Rue và hoạt động kinh doanh của họ.
Công suất in tiền cũng đặt áp lực lên doanh số và giá. Hiện nay nhiều nhà máy in tiền quốc gia cũng tự chủ được việc in tiền thay vì sử dụng các bên thuê ngoài như De La Rue.
Ngoài những vấn đề này, còn có một cơ số vấn đề trong nội bộ. Năm 2018, De La Rue đã mất một hợp đồng béo bở để sản xuất loại hộ chiếu màu xanh hậu Brexit của Anh cho đối thủ Pháp. Một hợp đồng sản xuất tiền cho ngân hàng trung ương Venezuela (in tiền trong bối cảnh quốc gia này đang rơi vào tình cảnh siêu lạm phát) cũng bị mất khi lệnh cấm vận buộc công ty phải từ bỏ. Trong khi đó, De La Rue còn đang bị điều tra về gian lận tại Nam Sudan.
De La Rue vẫn có một vài mảng kinh doanh hứa hẹn: Doanh thu việc in nhãn mác chống hàng giả tăng 70% so với năm trước. Tuy nhiên, việc ra đi của vài lãnh đạo cấp cao và nỗ lực tái cấu trúc đã khiến phong độ của công ty sụt giảm trầm trọng.
Ưu tiên của Vacher bây giờ là phải cắt giảm chi phí. Việc ngừng chi trả cổ tức, lên tới 25 triệu bảng (32 triệu USD) dù có thể hỗ trợ giá cổ phiếu trong ngắn hạn nhưng nó làm vị thế tài chính của công ty trở nên xấu hơn bao giờ hết.
Chưa kể đến khoản nợ ròng 220 triệu USD đã vượt quá mức vốn hóa thị trường của công ty - vốn đã giảm gần 80% kể từ năm 2017.
Việc thu về hơn 40 triệu bảng thông qua quá trình bán tài sản gần đây đã tạo ra chút ít niềm tin nhưng hội đồng quản trị hiểu rằng "viễn cảnh sụp đổ là điều hoàn toàn có thể xảy ra". Một công ty in tiền lại hết tiền nghe có vẻ nghịch lý nhưng lại là điều có thật.
Theo Trí Thức Trẻ/Bloomberg