Ông lớn Âu - Mỹ 'bành trướng' toàn cầu, tỷ phú Việt dám làm điều khác biệt
by VietNamNet News, https://www.facebook.com/vietnamnet.vnCuộc chiến bán lẻ tại các thị trường đông dân trên thế giới ngày càng khốc liệt. Các tập đoàn trong nước nổi lên nhanh chóng để đối trọng với những gã khổng lồ trên thế giới như Amazon, Walmart...
Đổ tỷ USD vào Việt Nam, đại gia Hàn Quốc ồ ạt thâu tómMột thập kỷ chờ thời, đại gia Việt hạ tỷ phú Thái trên 'sới đấu' 10 tỷ USD
Ông lớn thế giới bành trướng
Theo CNBC, ông vua bán lẻ trực tuyến của nước Mỹ vừa có những động thái chuẩn bị cho một cơ hội lớn chưa từng có tại thị trường tỷ dân Ấn Độ. Amazon của tỷ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos đã mở cửa tòa nhà văn phòng lớn nhất của mình tại thành phố Hyderabad, Ấn Độ. Đây cũng là cú đầu tư lớn nhất của gã khổng lồ thương mại điện tử tại đất nước 1,3 tỷ dân, với quy mô thị trường 100 tỷ USD và được dự báo sẽ lên tới 200 tỷ USD vào 2026.
Không chỉ ông lớn thương mại điện tử Amazon, nhà bán lẻ truyền thống Walmart của Mỹ cũng đã đổ cả núi tiền vào Ấn Độ để tận dụng triển vọng thương mại điện tử đầy hứa hẹn của nước này.
Cuộc đua của các ông lớn bán lẻ đang diễn ra ở khắp các thị trường đông dân trên thế giới.
Hồi tháng 8/2019, gã khổng trong ngành bán lẻ Mỹ Costco cũng khai trương cửa hàng đầu tiên tại Thượng Hải và gặt hái những tín hiệu rất tốt. Costco Thượng Hải thất thủ vì lượng khách hàng quá lớn. Đám đông người Trung Quốc đổ xô vào mua sắm các thương hiệu đình đám ngoại như Hermès, Prada... hay cả những sản phẩm nội như rượu Quý Châu Mao Đài, quần áo giày dép Hàn Quốc,... với giá rẻ hơn trên trang thương mại điện tử Tmall của Trung Quốc.
Hầu hết các nhà bán lẻ lớn của Mỹ đều mở rộng hoạt động trên cả lĩnh vực online và offline với hàng loạt công nghệ mới được ứng dụng. Walmart chi 3 tỷ USD mua Jet.com để đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, trong khi Amazon có bước đi ngược lại.
Trong khi nhiều chuỗi bán lẻ truyền thống trên thế giới vẫn đang loay hoay với bài toán tính tiền bằng cách quét mã QR code thì gã khổng lồ Amazon ra công nghệ mới với Amazon Go cho phép khách hàng không cần quét QR code, không cần thanh toán qua ứng dụng, chỉ còn vào cửa hàng, chọn đồ và đi ra.
Tại chuỗi bán lẻ này, hàng hóa vẫn tràn ngập nhưng không có nhân viên thu ngân, không máy tính tiền và cũng không có quầy thanh toán tự phục vụ. Khách hàng chỉ cần cài đặt ứng dụng, đăng ký tài khoản Amazon trên điện thoại và mua sắm bình thường.
Amazon Go sẽ biết khách hàng chọn sản phẩm gì từ các quầy kệ để tự động lên hóa đơn trên ứng dụng. Khách hàng có thể thay đổi sản phẩm hàng hóa,... hóa đơn ảo sẽ tự động cập nhật theo nhờ hệ thống camera trên trần nhà, cảm biến trọng lượng trên kệ hàng và phần mềm trí tuệ nhân tạo của Amazon.
Cho đến nay, Amazon Go đã có hàng chục cửa hàng tại Mỹ và có lẽ sẽ sớm bánh trướng ra thế giới và được xem là tương lại của ngành bán lẻ, một hình thức mua sắm đem lại trải nghiệm thoải mái tối đa cho khách hàng.
Tỷ phú Việt làm nên điều khác biệt
Cuộc chiến trong ngành bán lẻ thực sự khốc liệt. Sự xuất hiện của các ông lớn có thể khiến nhiều hệ thống bán lẻ phá sản. Tuy nhiên, trong cuộc đua này lợi thế không phải bao giờ cũng thuộc về những gã khổng lồ, mà các đại gia tại từng thị trường cũng có những lợi thế mà ông lớn ngoại ít khi có được.
Tại thị trường tỷ dân Ấn Độ, cả hai ông lớn Amazon và Walmart đang đối mặt với những thách thức rất lớn và phải cạnh tranh với các đại gia bán lẻ đang nổi lên trong nước.
Tỷ phú giàu nhất Ấn Độ Mukesh Ambani gần đây đã đổ một lượng tiền lớn vào công ty bán lẻ Reliance nhằm bắt kịp hoạt động kinh doanh ở Ấn Độ của Amazon và Walmart. Trong khi đó, một công ty Ấn Độ khác là Paytm do Alibaba hậu thuẫn cũng đã tham gia vào cuộc chơi và có những lợi thế lớn.
Paytm ban đầu là nhà cung cấp thanh toán kỹ thuật số có tốc độ tăng trưởng rất lớn với khoảng 350 triệu người dùng với cả chục tỷ giao dịch dự kiến trong năm 2019. Tuy nhiên, Paytm đã mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ với Paytm Mall cho phép người dùng của Paytm mua sắm mọi thứ trên cùng một ứng dụng di động, giống như Amazon hoặc Flipkart do Walmart sở hữu.
Điều đáng nói, Paytm Mall tăng trưởng rất nhanh và có cơ hội giành khách hàng ở những thành phố nhỏ - nơi mà Paytm có lợi thế hơn đối với một bộ phận đông người dân mới biết Internet và điện thoại thông minh.
Việc tận dụng các nhà bán lẻ và thương nhân địa phương giúp Paytm Mall giao hàng nhanh hơn, chi phí thấp hơn và tất cả đều dùng một ứng dụng chung Paytm. Paytm sẽ đầu tư thêm 1,4 tỷ USD để mở rộng các dịch vụ tiêu dùng và cung cấp dịch vụ tài chính cho những người dân trong nước chưa được tiếp cận với ngân hàng.
Tại Việt Nam, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng vừa công bố thương vụ sáp nhập mảng bán lẻ và nông nghiệp vào tập đoàn hàng tiêu dùng Masan của tỷ phú USD Nguyễn Đăng Quang.
Tỷ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng xây dựng lên hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam, vượt lên trên hệ thống bán lẻ của các đại gia ngoại trước khi hợp tác chuyển về cho ông lớn ngành tiêu dùng Masan với trách nhiệm xây lớn mạnh, chuyên nghiệp và cạnh tranh hơn trong tương lai.
Vingroup-Masan được xem có thể là thương vụ M&A lớn nhất trong năm 2019 bởi quy mô riêng mảng bán lẻ VinCommerce của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã được khối ngoại mua bán giao dịch với mức giá lên tới 3 tỷ USD.
Thương vụ hợp tác này được xem là cơ hội lớn cho một tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng nhanh Masan của tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang và cũng là một cú huých giúp sức mạnh của các ông lớn bán lẻ của Việt Nam tăng lên đáng kể, trước làn sóng xâm nhập lớn chưa từng có của các NĐT nước ngoài.
Về ngắn hạn, Masan chịu áp lực do giá trị tương lai không kịp thể hiện trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về dài hạn thương vụ giúp Masan có vị thế đáng nể trên lĩnh vực bán lẻ và phân phối. Trên thực tế, chuỗi bán lẻ của Vingroup hiện đang có lãi và có độ phủ lớn nhất Việt Nam với gần hơn 100 siêu thị, 2.500 cửa hàng Vinmart/Vinmart+ ở khắp các tình thành trên cả nước. Đối với một doanh nghiệp hàng tiêu dùng nhanh FMCG như Masan việc sở hữu thêm chuỗi phân phối được coi như hoàn thiện mắt xích cuối cùng trong khâu sản xuất - chế biến - phân phối.
Trong nước, nhiều hệ thống bán lẻ chuyên ngành khác cũng đang nổi lên và có lợi thế so với các gã khổng lồ thương mại thế giới. Trong vài năm gần đây, các đại gia Việt chi nhiều tỷ USD để dồn sức chiếm được chỗ đứng.
CTCP đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài mở rộng mạng lưới bán điện thoại, điện máy, bách hàng,... với tốc độ chóng mặt. Tính tới cuối tháng 9/2019, MWG có 1.000 cửa hàng điện thoại, hơn 900 cửa hàng điện máy và gần 790 cửa hàng bách hóa,... Tốc độ mở rộng mới lên tới gần 3 cửa hàng/ngày.
Ông lớn bán lẻ xăng dầu Petrolimex cũng đang nghiên cứu thành lập chuỗi cửa hàng tiện lợi để khai thác 5.200 cửa hàng xăng dầu hiện có trải dài trên 63 tỉnh/thành phố trên cả nước, trong đó có khoảng 2.500 cửa hàng thuộc sở hữu của tập đoàn.
Ông lớn Saigon Co.Op cũng đã xây dựng được 125 siêu thị trải dài từ Bắc đến Nam với khả năng địa phương hóa khá cao.s Đây cũng là xu hướng chung của nhiều doanh nghiệp, trong đó có mảng bán lẻ Satra, Hapro, FPT Retail, PNJ,...
M. Hà