Ngân hàng trong “cuộc đua” công nghệ số
by Hà Linh(HNM) - Ngành Ngân hàng đang đứng trước sự chuyển đổi mạnh từ mô hình kinh doanh truyền thống sang ngân hàng số. Bởi vậy, giữa các ngân hàng thương mại hiện nay không chỉ có cuộc cạnh tranh về sản phẩm, lãi suất…, mà còn tồn tại cuộc đua khốc liệt hơn mang tên “công nghệ số”.
Ngân hàng số - lựa chọn tất yếu
Ngân hàng số là lựa chọn tất yếu của các ngân hàng để có thể đáp ứng được nhu cầu của người dùng trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển. Với khả năng bao phủ rộng hơn, ngân hàng số đang dần thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống, khẳng định vai trò quan trọng của công nghệ số hóa trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc phụ trách bộ phận dịch vụ tài chính - ngân hàng Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam cho rằng, xu thế số hóa mạnh mẽ buộc ngành Tài chính - Ngân hàng phải đổi mới để theo kịp thời đại, nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau, hoặc bị đào thải.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, Vietcombank đã xây dựng những dịch vụ ngân hàng điện tử đa dạng như VCB-iB@nking, VCB-Mobile B@nking, VCBPAY, VCB-SMS B@nking cùng những tính năng tài chính nổi trội, như: Chuyển tiền, thanh toán online (trực tuyến), nạp tiền điện thoại, trích nợ tự động, đặt vé tàu, vé xe, thanh toán qua mã QR... Với các dịch vụ ngân hàng điện tử của Vietcombank, khách hàng sẽ giải quyết hiệu quả những bài toán tài chính hằng ngày như mua sắm, giải trí, quản lý chi tiêu...
Đặc biệt, khi thực hiện các giao dịch ngân hàng số của Vietcombank, người dùng có thể lựa chọn mã xác thực OTP, công nghệ đăng nhập bằng vân tay nhằm xác thực giao dịch khi mua hàng trực tuyến, quét mã QR cho phép khách hàng thanh toán dễ dàng, chuyển khoản không cần nhớ số tài khoản, công nghệ chatbot (trợ lý ảo) tự động tìm thông tin và trả lời khách hàng nhanh chóng.
Trong khi đó, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) nhấn mạnh, BIDV luôn ưu tiên phát triển chiến lược ngân hàng số một cách toàn diện trên tất cả các mặt hoạt động kinh doanh, quy trình, sản phẩm, kênh phân phối và yêu cầu quản trị hệ thống, phù hợp với xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0.
Các ngân hàng khác cũng triển khai nhiều sản phẩm ngân hàng số như: Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) có ngân hàng tự động LiveBank; Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) phát triển Ví Việt; hay Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội - MB xây dựng và đưa vào hoạt động chatbot phục vụ khách hàng 24/7 trên mạng xã hội…
Tiện ích cho người dân và doanh nghiệp
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước nhận định, chuyển đổi số giúp ngân hàng cắt giảm chi phí, tăng doanh thu, giúp ngành Ngân hàng phát triển sản phẩm nhanh hơn, dễ dàng hơn. Việc ngân hàng đầu tư mạnh vào công nghệ cũng nhằm tăng nguồn thu từ dịch vụ, từ đó giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng.
Cùng với đó, những dịch vụ ngân hàng số mang lại những lợi ích không nhỏ cho người dùng. Ông Vũ Tiến Đạt (422 Lê Duẩn, quận Đống Đa) chia sẻ: "Tôi thường xuyên thực hiện các giao dịch ngân hàng trên điện thoại di động như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn điện, nước, truyền hình cáp… Nhờ những dịch vụ ngân hàng số, tôi tiết kiệm được khá nhiều thời gian, bởi thay vì phải đi đóng tiền dịch vụ, tôi có thể ngồi bất cứ đâu thanh toán. Không những vậy, với các tiện ích từ dịch vụ ngân hàng số, tôi có thể mua sắm trực tuyến, sử dụng các phương tiện giao thông… chỉ bằng một số thao tác đơn giản trên điện thoại di động".
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Hoàng Thục Chinh, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Mặt Trời nhìn nhận, dịch vụ ngân hàng số giúp doanh nghiệp không phải mất thời gian đến trực tiếp cơ quan thuế để thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Từ thuế môn bài khi mới thành lập đến các loại thuế, phí khác khi hoạt động kinh doanh, chỉ cần đăng ký mở tài khoản tại ngân hàng, doanh nghiệp đã có thể đóng thuế qua tài khoản trực tuyến từ điện thoại, hay máy tính có kết nối internet.
Thực tế cho thấy, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển ngân hàng số nhờ quy mô dân số lớn với 96 triệu dân, cơ cấu dân số vàng (56 triệu người tham gia thị trường lao động); tỷ lệ người dân sở hữu điện thoại thông minh ở mức cao (72%); 62 triệu thuê bao 3G/4G kết nối internet, giới trẻ ưa thích công nghệ.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh khẳng định, nhận biết được tầm quan trọng và sự tác động mạnh mẽ khoa học và công nghệ, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp, hành động nhằm tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành Ngân hàng.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ hoạt động thanh toán, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, an toàn, an ninh bảo mật nhằm ứng phó với những thách thức mà Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra. Đặc biệt, ngành Ngân hàng đẩy mạnh việc triển khai các nghị quyết của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thực hiện chính phủ điện tử.