Điện mặt trời đang phát triển rất nhanh nhưng liệu có là tin vui?
Sự phát triển quá nhanh của các dự án điện tái tạo khi hệ thống truyền tải không theo kịp buộc nhiều nhà máy phải giảm phát trên 50% công suất.
by Thái BìnhTheo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, chỉ trong 3 tháng 4, 5, 6, có khoảng tới 88 nhà máy điện mặt trời đóng điện hòa lưới nếu đủ điều kiện vận hành theo quy định. Đây là một kỷ lục trong lịch sử ngành điện lực Việt Nam. Trước đó, suốt 65 năm xây dựng và phát triển của ngành điện, tổng số chỉ có 147 nhà máy có công suất đạt từ 30 MW trở lên đã hòa lưới và vận hành.
Đầu tư dự án điện mặt trời chỉ mất khoảng 6 tháng, thậm chí ngắn hơn, nhưng để xây dựng được hệ thống truyền tải công suất các dự án nguồn điện này phải mất từ 3 – 5 năm. Sự thiếu đồng bộ này đang khiến cho các dự án điện mặt trời buộc phải giảm công suất, gây thiệt hại cho cả chủ đầu tư và phía mua điện - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Chia sẻ tại Hội thảo Năng lượng tái tạo tại Việt Nam – Từ chính sách tới thực tiễn vừa được tổ chức tại TP.HCM, Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng quy hoạch Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, tốc độ phát triển điện mặt trời đang rất nhanh so với việc xây dựng lưới điện truyền tải. Điều này đã dẫn đến việc các dự án không thể phát huy hết công suất những lúc cao điểm. Ông Tuấn Anh nhấn mạnh, "Bộ nắm được những thách thức. Chúng ta cần phát triển điện mặt trời để đáp ứng được nhu cầu phụ tải, mặt khác xác định quy hoạch cũng như xây dựng phải đồng bộ với tiến độ triển khai của các dự án lưới điện".
Đại diện cho doanh nghiệp trình bày ý kiến tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch HĐQT Công ty Sơn Vũ cho biết các doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời băn khoăn việc trong hợp đồng mua bán điện với EVN có điều khoản cam kết giảm công suất phát điện nếu lưới điện quá tải. Theo ông, thời gian phát điện mặt trời rất ngắn, khoảng 2.000h/năm, nếu công suất giảm thì có đơn vị sẽ phải giảm từ 30 – 40%, gây khó khăn trong kinh doanh. Khó khăn ở đây cụ thể là việc vay vốn ngân hàng.
Thời gian vừa qua, 19 nhà máy trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận với tổng công suất 670 MW (chiếm 14% công suất vận hành) buộc phải hạn chế công suất phát do quá tải lưới điện. Riêng tháng 11, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cũng phải đề xuất giảm phát khoảng hơn 440 MW từ các dự án điện mặt trời tại 2 tỉnh này, dù đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường lưới, chống quá tải.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam thì cho biết, một phần nguyên nhân là do trước nay chưa làm quy hoạch điện mặt trời, dẫn đến khi dự án "nở rộ" thì bị nghẽn truyền tải.
Còn ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN thì cho rằng, việc nhiều nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành trong một thời gian ngắn đã gây quá tải cho hệ thống lưới điện từ 110 kV - 500 kV, do các dự án lưới điện truyền tải không theo kịp tiến độ xây dựng các nhà máy điện mặt trời.
Trên thực tế, EVN đã đẩy nhanh tiến độ các dự án truyền tải, đồng thời làm việc với lãnh đạo các địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án. Tuy nhiên, hiện nhiều dự án giải tỏa công suất nguồn điện trên vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các vướng mắc về thủ tục, giải phóng mặt bằng...
Thế nhưng ở góc nhìn của mình, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Trần Viết Ngãi khẳng định, giải pháp căn cơ tháo nút thắt điểm nghẽn trong phát triển điện mặt trời là "Việt Nam cần phải có cơ sở tính toán khoa học, cụ thể và bài bản cho quy hoạch điện".
►Năng lượng mặt trời: "Chợ đã đông"
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư