Cậu bé 10 tuổi sống cô độc trong rừng ở Tuyên Quang sẽ được theo học nội trú

by

Sau khi câu chuyện cậu bé 10 tuổi sống cô độc trong rừng ở Tuyên Quang được đăng tải trên báo chí, chính quyền địa phương các cấp đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cháu bé tiếp tục sự học.

Như đã thông tin, cậu bé Đặng Văn Khuyên (10 tuổi, ở xã Thành Long, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) phải sống một mình giữ núi rừng khi bố mất, mẹ bỏ đi, bà nội đi lấy chồng khiến nhiều người thương cảm.

Ở một mình cô đơn, Khuyên lại đi tìm sắn để đào, đó là niềm vui duy nhất của cậu, cũng là nguồn thu nhập chính. Sắn rừng nằm trên những ngọn đồi cao vài trăm mét, cậu bé như người tí hon với chiếc bao tải lớn trên lưng và cái xẻng cắt sắn vắt vẻo trên tay.

Có lần đi xa nhà 5 km, đào được 10 kg sắn, Khuyên sợ mất nên quyết định đem về hết một lần. Cuối cùng, khi xuống dốc, cậu bị bao tải đè, nằm nửa ngày trời mới có người giải thoát, nhưng vẫn cười xòa.

https://image-us.24h.com.vn/upload/4-2019/images/2019-11-29//1575025926-0a27d9cc5834cd55f211448e038e4ce4.jpg

Cuộc sống hàng ngày của cậu bé 10 tuổi

Ngoài công việc hái sắn, hái măng đi bán, Khuyên còn đi tải lúa cho người trong làng bằng xe đạp. Đổi lại, cậu có gạo ăn đầy đủ suốt 4 mùa, vì mỗi lần nấu một bát gạo, cậu ăn cả ngày không hết. Cậu hay ăn cơm trắng, nhìn vào bếp lửa, tưởng tượng đến thịt gà, thịt bò...

Sau khi câu chuyện của Khuyên được chia sẻ, chính quyền địa phương cũng như nhiều tấm lòng hảo tâm đã đến tận nơi bé Khuyên đang ở để thăm hỏi, động viên và giúp đỡ bé vượt qua lúc khó khăn này.

https://image-us.24h.com.vn/upload/4-2019/images/2019-11-29//1575025926-1dc6bb00054b5ad8066660a82e356d97.jpg

Căn nhà Khuyên lọt thỏm giữa núi rừng

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội chiều 29/11, cô giáo Phạm Thị Nga - giáo viên chủ nhiệm của em Khuyên cho biết, cuộc sống của em Khuyên có nhiều thay đổi sau khi câu chuyện của em được đăng tải lên các phương tiện truyền thông, nhiều người đến giúp đỡ em Khuyên về vật chất và tinh thần. Bữa ăn của Khuyên giờ được cải thiện, có thịt, trứng chứ không phải ăn cơm không hay rau rừng như trước.

Khu vực nhà ở của Khuyên cũng được các thầy cô giáo trong trường hay những người tới thăm đến gia cố, sửa sang lại bức vách, căng bạt cho ấm, dọn dẹp lại sạch sẽ. Đông tới đây em Khuyên sẽ không phải chịu cảnh co ro vì đã có chăn màn, mọi người mang đến.

https://image-us.24h.com.vn/upload/4-2019/images/2019-11-29/1575025926-480b6d7be3de1dbb9e1310ba04860df8.jpg

Giờ Khuyên được ủng hộ nhiều đồ dùng học tập em rất vui

"Khuyên đang học lớp 5 mà trường nội trú của huyện có từ lớp 6 trở lên. Do vậy sau khi họp bàn, huyện và xã thống nhất sẽ cho cháu đi học nội trú từ năm sau. Điểm trường ở trung tâm huyện cách nhà cháu 16km tuy nhiên cháu sẽ được ăn ở, học tập tại đó nên rất thuận tiện", cô Nga chia sẻ.

Theo cô Nga, ngoài được tặng quần áo, sách vở, đồ dùng học tập, em Khuyên còn được nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ về tài chính. Hiện số tiền những ai ủng hộ Khuyên thông qua cô Nga đều được cô bàn giao lại cho Hội chữ thập đỏ của xã. Một số đơn vị cũng trực tiếp lập sổ tiết kiệm để thuận tiện cho việc ăn học của Khuyên sau này. Theo cô Nga, ước tính tổng số tiền lên đến hơn 100 triệu đồng.

https://image-us.24h.com.vn/upload/4-2019/images/2019-11-29/1575025927-be45cee8d1190f572d229da480166a49.jpg

Hình ảnh người mẹ trong nét vẽ của Khuyên

Ngoài ra, cô Nga cũng cho biết, hiện có một số thông tin trên mạng xã hội đăng tải không đúng, nhiều người trục lợi kêu gọi ủng hộ tiền cho em Khuyên thông qua tài khoản cá nhân. Bởi cô Nga cho biết, khi cô chia sẻ lên mạng xã hội chỉ công khai số điện thoại để hỗ trợ mọi người chỉ đường hay kết nói với Khuyên, chứ không đưa số tài khoản nào lên mạng để kêu gọi.Cô Nga mong rằng, những nhà hảo tâm nên tỉnh táo để tránh bị kẻ xấu trục lợi. Mọi sự giúp đỡ Khuyên nên thông qua chính quyền địa phương nơi Khuyên đang ở.

Nguồn: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/cau-be-10-tuoi-song-co-doc-trong-rung-o-tuyen-quang-se-duoc-theo-ho...Nguồn: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/cau-be-10-tuoi-song-co-doc-trong-rung-o-tuyen-quang-se-duoc-theo-hoc-noi-tru-20191129165906112.htm