“Samsung đã triển khai cảm biến vân tay siêu âm bất chấp có lo ngại về bảo mật”
Cảm biến vân tay siêu âm từng được quảng cáo là công nghệ tiên tiến, vượt mặt vân tay quang học. Tuy nhiên, sau sự vụ Galaxy S10 bị qua mặt, nó đang bị mất điểm một cách ghê gớm.
Sau vụ lùm xùm, nhiều ngân hàng đã ‘cạch mặt' cảm biến vân tay trên một số điện thoại Samsung, gây khó khăn cho khách hàng muốn thực hiện giao dịch tài chính, truy cập ứng dụng ngân hàng trên các máy thuộc diện không an toàn. Công nghệ cảm biến vân tay siêu âm mà Samsung đang dùng cho flagship S10/Note 10 thực ra do Qualcomm cung cấp. Và hệ quả tiếp theo là tới lượt chính Qualcomm bị mất điểm trong mắt khách hàng và người tiêu dùng.
Qualcomm giới thiệu cảm biến vân tay siêu âm chìm dưới màn hình
Theo một số nguồn tin ngành công nghiệp, lo ngại về bảo mật của công nghệ vân tay siêu âm Qualcomm giới thiệu đã gia tăng đáng kể so với trước đây. Một số quan chức thậm chí đã đặt ra câu hỏi về mức độ an ninh của loại này, trước cả khi công ty Mỹ chính thức ra mắt vào tháng Mười Hai năm ngoái. Họ cho rằng nó dễ mắc lỗi hơn.
Một quan chức đề nghị giấu tên nói với Korea Times: "Samsung Electronics đã áp dụng máy quét vân tay siêu âm cho smartphone mới của mình, bất chấp có những lo ngại về bảo mật". Và sau khi Galaxy S10 bị tố có lỗ hổng an ninh, cũng như sự dè dặt của các ngân hàng, các nhà sản xuất điện thoại khác sẽ càng không liều lĩnh áp dụng nó nếu như không thẩm định kỹ.
Vì tin tưởng Qualcomm, Samsung đã vội vàng mang công nghệ mới lên flagship của mình, bất chấp những lo ngại còn đó
Khi Qualcomm giới thiệu cảm biến siêu âm 3D, họ đã ca ngợi nó dẫn đầu về bảo mật, thuận tiện và đáng tin cậy. Sau đó, Galaxy S10 và Note 10 trở thành điện thoại đầu tiên bán ra đại trà áp dụng cảm biến vân tay siêu âm 3D. Tại thời điểm S10 ra mắt, Samsung đã rất nỗ lực tiếp thị nó đến khách hàng như một tính năng cao cấp hàng đầu. Đặc biệt, chứng tỏ công nghệ này vượt trội hơn loại quang học đang có trên nhiều mẫu Android Trung Quốc.
Cho đến khi thông tin về việc hệ thống dễ bị qua mặt bởi một miếng dán màn hình lan tràn trên các phương tiện thông tin đại chúng, danh tiếng của Samsung đã bị tổn hại ghê gớm. Đặc biệt, các ngân hàng còn chặn đứng truy cập bằng cảm biến vân tay trên chiếc điện thoại đắt tiền của người dùng. Nó gây ra một sự hoang mang với những người đã từng tin tưởng công nghệ do Samsung áp dụng. Đồng thời gợi lên nỗi ám ảnh bị cấm bay do Galaxy Note 7 phát nổ trong quá khứ.
Bảo mật thực sự là vấn đề nghiêm trọng trong thời đại ngày nay
Một quan chức cho biết, bảo mật thực sự là vấn đề nghiêm trọng trong thời đại ngày nay. Ngày càng nhiều người dùng smartphone để truy cập ứng dụng ngân hàng, thực hiện thanh toán nội địa và quốc tế. Theo người này, dù đã xuất hiện trên smartphone từ lâu, nhưng công nghệ bảo mật dựa trên sinh trắc học vẫn bộc lộ nhiều giới hạn. Nó đòi hỏi các hãng phải làm việc với phần mềm cẩn thận hơn, đồng thời duy trì sự nhất quán trong việc phát hành bản vá bảo mật.
Lee Jong-wook, nhà phân tích tại Samsung Securities, cho biết: "Nếu Samsung từ bỏ vân tay siêu âm để quay về loại quang học truyền thống, nó sẽ có lợi cho các công ty địa phương đang cung cấp giải pháp này". Chúng ta không thể biết chắc liệu Samsung có chùn tay sau sự cố vừa rồi. Tháng Hai năm sau, chiếc flagship mới sẽ được ra mắt, liệu nó sẽ dùng giải pháp bảo mật của Qualcomm hay công nghệ quang học? Đây sẽ là một quyết định rất quan trọng với họ.
Ambitious Man