Ôtô trong nước giá cao, doanh nghiệp kiến nghị giảm thuế
Tại diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất ôtô toàn cầu” ngày 28-11, các chuyên gia và giới chuyên môn, doanh nghiệp đã cùng trao đổi và đề xuất tháo gỡ những điểm nghẽn mà ngành công nghiệp ôtô đang gặp phải, đồng thời cùng phân tích vì sao ôtô sản xuất trong nước vẫn còn yếu thế so với hàng nhập khẩu.
by Lưu HiệpÔtô Việt mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, đến nay Việt Nam vẫn chưa có các doanh nghiệp đứng đầu chuỗi sản xuất tầm cỡ khu vực trong ngành sản xuất, lắp ráp ôtô. Hiện, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ôtô, phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ôtô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động.
Đáng lưu ý, sau vài chục năm phát triển, ngành sản xuất, lắp ráp trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ôtô thực sự. Trong khi đó, giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi thấp hơn mục tiêu đề ra và thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, tỷ lệ nội địa hóa một số dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước khá cao do khả năng cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nội địa được cải thiện trong thời gian qua.
Các chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, trung bình 50-55%. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi của Việt Nam đang “hụt hơi” khi thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra. Trong khi, mục tiêu đặt ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010 thì đến nay, con số đạt được thực tế chỉ ở mức 7-10%.
Bà Đỗ Thu Hoàng, Phó Tổng giám đốc Toyota Việt Nam cho rằng, trước bối cảnh hội nhập hoàn toàn khu vực ASEAN vào năm 2018, khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc về 0%, ngành sản xuất xe trong nước gặp phải nhiều khó khăn.
Theo đó, khó khăn lớn nhất của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam là quy mô thị trường nhỏ bé, sản lượng thấp. Do sản lượng còn quá nhỏ, nên các nhà sản xuất phần lớn phải nhập khẩu các linh kiện để sản xuất ôtô. Điều này cũng dẫn đến chi phí rất cao cho việc đóng gói, vận chuyển, thuế nhập khẩu. Mặt khác, công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô cũng không phát triển được do sản lượng thấp.
“Các yếu tố bất lợi kể trên làm cho chi phí sản xuất ôtô tại Việt Nam cao hơn so với Thái Lan, Indonesia, khoảng 10-20%”, bà Đỗ Thu Hoàng nói.
Cần chính sách thúc đẩy thị trường ôtô
Để phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô, điều tiên quyết là phải có ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước phát triển, mở ra cơ hội thị trường cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp cuối cùng.
Ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Công ty CP ôtô Trường Hải (Thaco) cho rằng, Việt Nam cần có những hàng rào kỹ thuật nhất định thay vì thả nổi như hiện nay. Theo đó ông Tài kiến nghị, Chính phủ xem xét việc giảm thuế nhập khẩu linh kiện về 0% mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào trong bối cảnh thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc về 0%.
Khi thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc bằng 0% từ năm 2018, nếu vẫn áp dụng chính sách thuế đối với linh kiện thì sẽ khó giảm giá thành xe sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, Chính phủ sớm xem xét giảm thuế nguyên liệu để sản xuất linh kiện, vật tư ôtô về 0%. Khi giảm thuế nguyên liệu, vật tư để sản xuất ra linh kiện thì chắc chắn giá thành sẽ giảm và kéo giá xe sản xuất trong nước giảm, người tiêu dùng được lợi.
Trong khi đó, bà Đỗ Thu Hoàng cũng cho rằng, các giải pháp liên quan đến chính sách thuế nên được triển khai để tạo ra sức cạnh tranh cho xe sản xuất trong nước về dài hạn khi mà Nghị định 116 dần mất hiệu quả. Hiện, các Bộ đang thảo luận về việc sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho các nhóm ôtô là đối tượng chịu thuế, trên cơ sở không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị gia tăng trong nước.
Lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, từ năm 2018, theo các cam kết về thuế quan trong Hiệp định ATIGA, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc trong các quốc gia ASEAN về 0%, đây là thách thức rất lớn cho các ngành công nghiệp ôtô cũng như công nghiệp hỗ trợ cho ngành ôtô trong thời gian tới.
Trong khi đó, thuế nhập khẩu linh kiện thay đổi liên tục, thiếu một lộ trình thay đổi rõ ràng đã gây khó khăn không nhỏ cho các nhà sản xuất linh kiện và lắp ráp ôtô trong việc hoạch định chiến lược đầu tư dài hạn và xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển cho tổ chức.
Đại diện Cục Công nghiệp kiến nghị, trong thời gian tới, Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, báo cáo Chính phủ phương án sửa đổi, bổ sung các đạo luật về thuế, phí nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh về giá thành trước làn sóng xe nhập khẩu nguyên chiếc xâm nhập thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Theo Công an Nhân dân