Những nữ tu luyện kungfu trên dãy Himalaya
NepalSau lễ tụng kinh buổi sáng, các sư cô lấy kiếm và quạt ra luyện võ, một cách thể hiện sức mạnh của nữ giới trong xã hội gia trưởng.
by VnExpress"Trên dãy Himalaya, phụ nữ không bao giờ được đối xử bình đẳng và không được trao cơ hội bình đẳng, đó là lý do chúng tôi muốn thúc đẩy các cô gái", Jigme Konchok Lhamo, 25 tuổi, một sư cô, nói. "Kungfu đã giúp chúng tôi bày tỏ chính kiến về bình đẳng giới vì chúng tôi cảm thấy tự tin hơn, chúng tôi cảm thấy mạnh mẽ về cả thể chất lẫn tinh thần. Chúng tôi đang luyện kungfu như một hình mẫu cho các cô gái khác".
Những sư cô trên nằm trong số 800 nữ tu thuộc Ni viện Núi Druk Amitabha ở Nepal và thuộc trường Phật giáo Tây Tạng Druk Amitabha có tuổi đời hàng thế kỷ.
Năm 2008, với nhiệm vụ thúc đẩy bình đẳng giới trong Phật giáo, Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa đã khuyến khích các sư cô học kungfu và thách thức những tiêu chuẩn truyền thống cấm phụ nữ vượt qua giới hạn của ni viện, chủ trì các buổi lễ hay được tấn phong đầy đủ.
Họ đã đi khắp Nam Á để dạy các lớp tự vệ và nâng cao nhận thức về nạn buôn người ở một khu vực mà bạo lực đối với phụ nữ hiếm khi được báo cáo. Họ đi bộ băng qua những ngọn núi và đạp xe đến những vùng hẻo lánh.
Gần đây nhất, họ hoàn thành hành trình đạp xe vì hòa bình kéo dài 3 tháng qua 8.370 km từ Nepal đến núi Ladakh ở phía bắc Ấn Độ, nơi họ đã băng qua những ngôi làng và truyền tải thông điệp về bình đẳng giới cũng như trao quyền cho phụ nữ.
Lhamo đi tu từ năm 12 tuổi, bất chấp gia đình phản đối. Hồi tháng 11, cô đã đến New Delhi sau khi nhận giải thưởng quốc tế ở New York, Mỹ về những nỗ lực truyền cảm hứng cho nữ giới.
"Ban đầu chúng tôi gặp rất nhiều chỉ trích. Mọi người không thực sự thích điều đó vì chúng tôi đang phá vỡ các quy tắc", Lhamo nói, sau khi cô và các sư cô trong ni viện thể hiện sức mạnh của mình qua võ thuật.
Họ vung những thanh kiếm và xòe nhưng chiếc quạt trang trí hình rồng phượng, thường được dùng để ra hiệu lệnh trong khi đấu.
"Bây giờ, khi trở lại những nơi đó, chúng tôi nhận được nhiều phản ứng tích cực", cô nói. "Họ gọi chúng tôi đến những ngôi trường. Họ để các bé gái đứng trước còn các bé trai ở sau. Họ cho các bé gái cơ hội bình đẳng để đặt câu hỏi và trò chuyện với chúng tôi".
Anh Ngọc (Theo AFP)