Sửa mặt cầu Thăng Long hư hỏng suốt 10 năm bằng công nghệ Mỹ
by VietNamNet News, https://www.facebook.com/vietnamnet.vnTổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN dự định sửa mặt cầu Thăng Long bằng công nghệ mới, lần đầu tiên được áp dụng.
Hà Nội thông xe đường vành đai 3.000 tỷ đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long4 ô tô tông nhau vỡ vụn trên cầu Thăng Long, 2 người bị thươngHơn 10.000m2 mặt cầu Thăng Long bị hằn lún
Theo Tổng cục trưởng Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện, đơn vị đã nghiên cứu nhiều phương án sửa chữa mặt cầu trên thế giới và hiện đã trình Bộ GTVT phương án hàn các bu lông treo trên mặt sắt và sẽ đổ khoảng 6-7cm bê tông sợi lên bề mặt.
Đây là công nghệ của Mỹ đã làm khoảng 10 cây cầu tại Trung Quốc. Công nghệ mới này lần đầu tiên được áp dụng tại VN.
Ông Huyện khẳng định, qua nghiên cứu đánh giá năng lực thực tế cho thấy các nhà thầu trong nước hoàn toàn có thể thi công được và chỉ phải nhập một số thiết bị đặc thù.
Tổng cục Đường bộ đã trình Bộ GTVT thẩm định xong và sẽ tiến hành khảo sát thiết kế, kiểm định, tiến hành thi công; dự kiến trong năm 2020 sẽ hoàn thành.
Tổng mức đầu tư dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long dự kiến khoảng từ 180 - 200 tỷ đồng và sẽ được tổ chức đấu thầu công khai rộng rãi.
Trước đó, tại buổi kiểm tra mặt cầu Thăng Long hồi tháng 8, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khảo sát thật kỹ và đề ra các giải pháp hợp lý nhất để sửa chữa, cải tạo cơ bản toàn bộ mặt cầu Thăng Long.
Bộ trưởng cũng giao Tổng cục Đường bộ theo dõi, xử lý kịp thời các hư hỏng để đảm bảo an toàn giao thông qua cầu Thăng Long trong thời gian chờ khắc phục.
Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về sửa chữa mặt đường ô tô trên cầu Thăng Long, với kinh phí khoảng 180 tỷ đồng và đề xuất lấy nguồn tiền từ Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương.
Mặt đường bộ tầng 2 cầu Thăng Long có tổng chiều dài khoảng 3.116m gồm phần cầu chính dài 1.688m, với 15 nhịp dàn thép được chia thành 5 liên, mỗi liên gồm 3 nhịp dàn thép liên tục.
Bề rộng mặt cầu 20,5m bao gồm 4 làn xe cơ giới rộng 16,5m (mặt đường bê tông nhựa diện tích 27.852m2), còn lại 2 bên là phần đường bộ hành công vụ, mỗi bên rộng 2,0m.
Phần cầu dẫn bê tông cốt thép có tổng chiều dài dài 1.428m (nhịp mố phía bắc gồm 22 dầm x 33m; nhịp mố phía nam gồm 21 dầm x 33m), bề rộng mặt 16,5m (diện tích 23.562m2).
Cầu được khởi công xây dựng năm 1974 và chính thức khánh thành vào ngày 9/5/1985. Cầu được xem là công trình thế kỷ của tình hữu nghị Việt - Xô.
Vũ Điệp