https://sohanews.sohacdn.com/thumb_w/660/2019/photo1574997913589-1574997913707-crop-157499793616748811164.jpg

Nhà báo Anh nếm trái đắng vì công tác tổ chức SEA Games đầy bất cập của chủ nhà Philippines

Các tờ báo Anh đồng loạt đăng tải về công tác chuẩn bị SEA Games khá yếu kém của chủ nhà Philippines.

by

"SEA Games khởi đầu đầy trắc trở ở Philippines" là tựa đề bài viết của phóng viên Howard Johnson đăng trên BBC hôm nay.

"SEA Games không được chú ý như Olympic hay FIFA World Cup nhưng nó là sự kiện quan trọng ở khu vực Đông Nam Á. SEA Games thể hiện khát vọng và tầm nhìn của nước chủ nhà, cũng là một cách chuẩn bị cho vận động viên của họ để hướng tới các cuộc thi tầm cỡ châu lục và thế giới", tác giả Howard Johnson viết. "Nhưng mọi chuyện đang diễn ra không hề suôn sẻ cho chủ nhà của SEA Games năm nay, Philippines".

Cây viết của BBC mô tả: "Quá trình chuẩn bị cho SEA Games 30 đang ngập trong tranh cãi, bao gồm lạm dụng chi phí, cơ sở vật chất ngổn ngang chưa hoàn thành và sự tiếp đón tồi tệ dành cho VĐV.

Mạng xã hội tràn ngập hình ảnh cầu thủ nằm vạ vật trên sàn nhà hoặc chờ đợi mòn mỏi ở sân bay vì sự kém cỏi trong khâu vận chuyển. Hashtag #SEAGamesthấtbại nhanh chóng trở thành trend trên Twitter".

Bản thân tác giả Howard Johnson cũng đích thân trải nghiệm sự bất cập của chủ nhà. Ông đăng ký thẻ tác nghiệp SEA Games từ 2 tháng trước, đã nhận 2 e-mail xác nhận đăng ký thành công nhưng vẫn chưa nhận được thẻ.

Sau nhiều ngày chờ đợi, vào hôm qua, ông đã tới trung tâm báo chí ở Manila để giải quyết trục trặc. Đại diện BTC giải thích rằng do có vấn đề về in ấn nên việc in thẻ bị trì hoãn. Tác giả được cấp tạm 2 chiếc thẻ ngắn hạn và được dặn dò là nếu muốn tham gia tác nghiệp nhiều môn hơn thì phải đến trung tâm báo chí xin thẻ khác.

https://sohanews.sohacdn.com/2019/11/29/photo-1-15749979136161319812958.png
Ký giả Howard Johnson selfie trong căn phòng ngổn ngang vật liệu xây dựng.

Dùng một trong hai chiếc thẻ, Howard Johnson tới thăm Rizal Memorial, sân đấu mới được trùng tu lại. Mặt cỏ, đường pitch đều đẹp nhưng ở trong đường hầm, 2 công nhân đang mải miết cắt và trải thảm đỏ. Biển hiệu phòng thay đồ của Philippines là một tờ giấy A4 dán tạm trên tường trong khi bậc thang dẫn vào phòng vẫn còn bìa carton che lên.

Cách đó 2 cánh cửa, Howard bước vào một căn phòng thay đồ vẫn đang sửa chữa. Dây điện treo lủng lẳng trên trần nhà, trong khi xi măng trát trên tường vẫn còn ướt.

Trên Daily Mail (Anh) cũng có bài: "SEA Games chìm trong sự hỗn loạn chỉ 48 giờ trước thời điểm khai mạc, với một loạt thảm họa bao gồm 1 phòng vệ sinh với 2 bồn cầu đặt cạnh nhau".

Phản ứng trước hàng loạt màn chê trách của khách mời, chủ nhà Philippines đang cố gắng chứng minh lòng mến khách của mình. Đồng thời họ cũng tích cực đấu tranh với hiện tượng tin giả tràn lan trên mạng xã hội bằng cách lập hẳn một... bảng xếp hạng huy chương dành cho các trang báo đưa nhiều tin giả nhất.

Thực chất Philippines không phải quốc gia nhận đăng cai SEA Games 2019. Quyền đăng cai ban đầu thuộc về Brunei nhưng đất nước này từ chối, buộc Philippines phải nhận hộ. Việt Nam khi đó cũng từ chối vì chúng ta sẽ đăng cai SEA Games 2021.

Những hình ảnh đăng tải trên BBC

https://sohanews.sohacdn.com/2019/11/29/photo-1-157499791918672674507.jpg
Đài lửa gần 1 triệu USD bị chê lãng phí.
https://sohanews.sohacdn.com/2019/11/29/photo-2-15749979191921073534569.jpg
Phòng vệ sinh chưa hoàn thiện.
https://sohanews.sohacdn.com/2019/11/29/photo-3-1574997919195676068211.jpg
Công nhân trải thảm đường hầm sân Rizal Memorial.
https://sohanews.sohacdn.com/2019/11/29/photo-4-1574997919197117654951.png
Biển hiệu bằng giấy A4 trước cửa phòng thay đồ Philippines.
https://sohanews.sohacdn.com/2019/11/29/photo-5-1574997919201922714393.png
Bậc thang trải bìa carton.