Thêm 15 tỉnh thành được dùng miễn phí thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV - PrEP
VietTimes – PrEP là phương pháp dự phòng lây nhiễm HIV trước phơi nhiễm, tức là người chưa nhiễm HIV sử dụng thuốc kháng virus (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV. Sau 2 năm thực hiện, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tiếp tục triển khai chương trình PrEP thêm 15 tỉnh, thành phố.
by Trăm NguyễnPrEP được mở rộng ở cả cơ cở công lập và tư nhân
Chia sẻ với VietTimes, PGS.TS Phan Thị Thu Hương - Phó Cục Trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, cho biết: “Hiện tại, 80% PrEP được triển khai ở cả các cơ sở y tế nhà nước thông qua các phòng khám điều trị HIV và các bệnh lây truyền qua đường dục và 20% ở các cơ sở tư nhân. Việc mở rộng PrEP ở các cơ sở giúp cộng đồng quan hệ đồng tính nam dễ dàng tiếp cận với thuốc kháng virus (ARV) dự phòng lây nhiễm HIV”.
Do đó, khi bạn thấy mình có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS qua quan hệ tình dục, hãy dùng PrEP. Bạn hãy liên hệ với các phòng khám y tế để được hướng dẫn sử dụng PrEP đúng cách, vừa bảo vệ sức khỏe của chính mình vừa bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Chia sẻ về cách dùng PrEP, ông Phan Minh Thái – chuyên viên điều phối mạng xã hội của tổ chức PATH ( tổ chức hoạt động trên toàn cầu nhằm thúc đẩy bình đẳng y tế) cho biết: “Người có nhu cầu sử dụng chỉ cần làm xét nghiệm HIV trước khi bắt đầu sử dụng PrEP hoặc tái sử dụng PrEP sau khi đã dừng một thời gian. Nếu kết quả xét nghiệm HIV âm tính, bạn hoàn toàn có thể sử dụng PrEP.
Đặc biệt, 90% người dùng PrEP không nhận thấy có tác dụng phụ. Chỉ có 10% người sử dụng gặp phải tác dụng phụ nhẹ như buồn nôn, đau quặn bụng, chán ăn,…” .
Khẳng định điều này, anh Nguyễn Tăng Thế Phàm (ở TP.HCM) – người đã dùng PrEP cho biết: “Tôi đã dùng PrEP được 8 tháng và cảm thấy rất an toàn, không có tác dụng phụ. Khi uống, tôi chỉ có cảm giác nóng trong người hơn một chút. Tôi đã và sẽ tiếp tục giới thiệu cho bạn bè sử dụng PrEP, phòng ngừa lây nhiễm HIV”.
Hy vọng có sự cạnh tranh giữa các hãng dược phẩm để giảm giá thành
Trong giai đoạn 2019-2020, Quỹ Toàn cầu cam kết hỗ trợ nguồn vốn không hoàn lại cho Việt Nam để can thiệp phòng, chống HIV/AIDS đối với nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Được biết, giá thành của một lọ thuốc PrEP nếu không được trợ giá là khá cao. Như vậy, sau khi chúng ta hết được tài trợ, liệu rằng cộng đồng có thể chi tiền để mua PrEP sử dụng thường xuyên hay không?
Trao đổi về vấn đề này, bà Hương cho biết: “Hiện tại, các tổ chức quốc tế hỗ trợ Việt Nam theo kiến nghị của Cục Phòng chống HIV/AIDS vì chúng ta đưa ra được những bằng chứng trong bối cảnh nhóm này có nguy cơ lan truyền HIV quá nhanh trong thời gian vừa qua. Và chúng ta đang được điều trị miễn phí vì còn đang được PEPFAR – Một nguồn viện trợ của chính phủ Mỹ tài trợ.
Sau giai đoạn này, khi không còn được tài trợ, chúng tôi hy vọng các hãng dược phẩm bán thuốc PrEP vào Việt Nam nhiều hơn để có sự cạnh tranh giá cả, giúp giảm giá thành. Như vậy, chúng ta có thể tự mua thuốc PrEP để dự phòng lây nhiễm HIV, bảo vệ sức khỏe cộng đồng”.
Ngày 27/11, tại TP.HCM diễn ra buổi Hội thảo Đánh giá một năm triển khai mở rộng chương trình PrEP tại 11 tỉnh và mở rộng thêm 15 tỉnh mới tại Việt Nam.
Chương trình dự phòng PrEP được triển khai thí điểm tại TP.HCM và Hà Nội vào năm 2017. Sau một năm khởi động, chương trình được mở rộng trên 11 tỉnh, thành phố do tổ chức PEPFAR tài trợ.
Sau 2 năm thí điểm, kết quả có hơn 6.000 người đăng ký sử dụng PrEP, trong đó có 3.946 người mới tham gia trong năm 2019.
Trong giai đoạn triển khai chương trình dự phòng trước lây nhiễm, Cục Phòng chống HIV/AIDS đã triển khai rất nhiều nghiên cứu để đánh giá hiệu quả của chương trình. Các nghiên cứu cho thấy hoàn toàn không có trường hợp nào nhiễm mới HIV trên những người được uống PrEP.
Song song đó, một nghiên cứu khác của trường Đại học Y Hà Nội, triển khai đối với những người không được can thiệp dự phòng HIV/AIDS cho thấy mỗi năm trong 100 người sẽ có 7 người nhiễm HIV mới.
Nhận thấy những hiệu quả tích cực đối với cộng đồng cùng với nhu cầu sử dụng PrEP rất cao, Cục Phòng chống HIV/AIDS đã công bố mở rộng thêm 15 tỉnh, thành. Đây là một bước tiến mới của Việt Nam trong cam kết nỗ lực hướng tới mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.